Với đặc tính là cây dễ trồng, ít bị bệnh, tuổi thọ cao và có giá trị kinh tế. Vì thế hiện nay cây bưởi da xanh đang được chú ý và phát triển tại nhiều tỉnh phía Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Riêng tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có gần 1.000 ha diện tích đất trồng bưởi. Năng suất bình quân đạt khoảng 15-20 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người trồng bưởi. Song, bên cạnh những nông dân có nhiều kinh nghiệm, áp dụng đúng quy trình canh tác mang lại năng suất hiệu quả cao vẫn còn không ít hộ chưa có kinh nghiệm, áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến vườn bưởi suy kiệt và hiệu quả thấp. Nguyên nhân một phần do việc sử dụng và bón phân không hợp lý.
Thực tế đó đã có nhiều công ty phân bón nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm chuyên dùng cho cây ăn trái, trong đó có cây bưởi da xanh. Nhằm giúp nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm.
Sau khi thực hiện mô hình trình diễn về việc sử dụng phân bón NPK Phú Mỹ trên cây bưởi da xanh tại vườn bưởi cuả một hộ dân ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ đưa ra quy trình sử dụng phân bón NPK 16-16-8-13S của PVFCCo trên cây bưởi da xanh tại huyện Chợ Lách. Trong đó có 5 giai đoạn áp dụng:
1. Giai đoạn trước khi xử lý cây ra hoa:
Nên bón phân có chứa hàm lượng lân và kali cao. Việc bón ít đạm, nhiều lân và kali vào thời điểm này sẽ hạn chế cây bưởi ra lá non, đồng thời giúp bộ lá bưởi trên cây nhanh chóng thuần thục trước khi tiến hành xử lý ra hoa.
Liều lượng bón cho mỗi cây tùy thuộc vào tuổi cây, tình trạng sinh trưởng của cây và chế độ phân bón sử dụng trước đó.
Sau khi xử lý bằng cách tạo khô hạn từ 20-25 ngày thì tiến hành bón phân 16-16-8-13S để thúc đẩy cây ra hoa.
2. Giai đoạn chăm sóc hoa và xử lý đậu trái:
Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất của bưởi da xanh. Do đó cần có chế độ chăm sóc tập trung. Ngoài việc phòng ngừa nhện và bọ trĩ gây hại hoa, cần phải bón phân hợp lý để nuôi hoa và xử lý hoa đậu trái tốt hơn.
Sau khi cây nhú mầm hoa từ 15-20 ngày tiến hành bón 16-16-8-13S để thúc hoa ra nhanh và mập khỏe. Đến 30-35 ngày sau khi ra hoa, bón phân 16-16-8-13S kết hợp một ít kali để hoa phát triển hoàn chỉnh thúc đẩy quá trình nở hoa hạn chế rụng hoa và trái non giúp tăng đậu trái.
Liều lượng bón từ 0,5-2kg tùy vào lượng hoa trên cây.
3. Giai đoạn đậu trái và trái phát triển:
Trong giai đoạn này chia phân 16-16-8-13S làm nhiều lần bón (khoảng 4-5 lần), nhằm tránh hiện tượng rửa trôi, đồng thời cung cấp dinh dưỡng kịp thời giúp trái bưởi phát triển.
Bón lần đầu khoảng 1 tháng sau khi đậu trái, sau đó cứ mỗi tháng bón 1 lần; liều lượng bón cho mỗi cây tùy thuộc vào tuổi cây, số lượng trái/cây mà lượng phân gia giảm từ 2-3kg NPK/cây bưởi.
4. Giai đoạn 2 tháng trước khi thu hoạch:
Thời điểm này trái đã vào giai đoạn chín sinh lý bón thêm KCl với 16-16-8-13S, tỷ lệ 1:1; liều lượng khoảng 0,5-1kg/cây để gia tăng chất lượng trái bưởi (hương vị và màu sắc).
5. Giai đoạn sau thu hoạch trái:
Trong giai đoạn này, cây bưởi cần được bón phân NPK có nhiều đạm và lân để giúp cây phục hồi dinh dưỡng đồng thời phát triển bộ rễ mới chuẩn bị nuôi đọt cho đợt trái tiếp theo. Tiến hành bón NPK 16-16-8-13S, liều lượng bón tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sinh trưởng của mỗi cây, độ màu mở của đất. Có thể bón từ 1-2kg phân NPK cho cây từ 4-6 năm tuổi.
Giai đoạn này, ngoài sử dụng phân hóa học, việc bón phân hữu cơ là rất cần thiết cho cây bưởi, liều lượng phân hữu cơ từ 10-20kg/cây bưởi tùy thuộc vào nguồn phân hữu cơ có sẵn.
Thảo Vy
|