Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Cây bưởi da xanh trên đất Tân Mỹ
Thứ sáu, 16/11/2012 13:34

Trong thời gian qua, nông dân ở Tân Mỹ (Ba Tri) luôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả cao. Và có một số loại cây đã mang lại hiệu quả. Mới đây, anh Châu Văn Bối sinh năm 1967 ở ấp Tân Thành, người đầu tiên đã trồng thử nghiệm thành công bưởi da xanh, loại cây cho trái đang có giá trị kinh tế cao.

 

 

Anh Bối thu hoạch bưởi.

 

Tân Mỹ có diện tích tự nhiên trên 1.260 ha, trong đó hiện có hơn 566 ha đất trồng lúa, 180 ha trồng mía và 73,5 ha trồng cây ăn trái. Những năm trước đây, Tân Mỹ là vùng đất bị nhiễm phèn, mặn, rất khó khăn trong việc sản xuất. Để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân, Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi cống đập Ba Lai. Tân Mỹ là một trong những xã được thụ hưởng từ công trình này. Năm 2003, khi công trình hoàn thành, để phát huy hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập, nâng mức sống gia đình, người dân ở Tân Mỹ bắt đầu phát triển sản xuất, trồng nhiều loại cây ăn trái như dừa, xoài, bắp,… trong đó có một số hộ mạnh dạn trồng bưởi da xanh. Tuy nhiên, thời gian đầu do đất chưa được rửa phèn, mặn, ngọt hóa nên bưởi da xanh của nông dân trồng không phát triển.

 

Sau khi nhận thấy vùng đất ở địa phương thích hợp để phát triển và học hỏi kinh nghiệm của những nông dân chuyên trồng bưởi ở nhiều nơi, năm 2005, anh Bối mạnh dạn đầu tư trồng thí điểm 30 cây bưởi xen trong vườn xoài của mình. Không bao lâu, thấy bưởi phát triển tốt, anh tiếp tục trồng 120 cây. Khi bưởi sắp cho trái, càng khẳng định sự thích hợp với vùng đất ở địa phương nên anh quyết định trồng xen bưởi khắp vườn xoài 1 ha với tổng số 400 cây.

 

Trên diện tích đất, anh tiến hành đào mương lên bờ cao để dễ thoát nước vào mùa mưa đồng thời giữ nước phục vụ tưới tiêu trong mùa nắng rồi trồng bưởi trên bờ. Anh trồng mỗi cây cách nhau 4 m. Anh dùng chủ yếu phân chuồng bón cho cây để hạn chế chi phí, chỉ sử dụng phân hóa học khi cần thiết, nhất là khi bưởi cho trái. Bưởi của anh trồng sau 5 năm bắt đầu cho trái. Do để phát triển tự nhiên, không dùng biện pháp xử lý kích thích hay kiềm chế ra hoa nên bưởi của anh cho trái quanh năm. Nhờ thích hợp với vùng đất ở địa phương, tích cực chăm sóc, áp dụng đúng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên bưởi của anh phát triển tốt. Hiện nay, vườn bưởi của anh có 150 gốc đã cho trái được 2 năm. Trái bưởi tương đối lớn, có trọng lượng trung bình từ 1,2-2,5kg/trái, da màu xanh, ruột đỏ hồng, hương vị ngọt lịm, ráo cơm. Nếu so với những vùng chuyên canh trong tỉnh Bến Tre như huyện Chợ Lách, Châu Thành, Giồng Trôm thì trọng lượng và chất lượng bưởi của anh không thua gì. Sau khi thu hoạch, bưởi của anh được thương lái đến tận nơi thu mua. Hiện nay, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg. Trong năm qua, anh thu hoạch được 7,5 tấn trái, sau khi bán trừ chi phí anh còn lãi 120 triệu đồng. Ngoài ra, với 700 gốc xoài đã cho trái sau khi thu hoạch bán trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng.

 

Anh Châu Văn Bối chia sẻ kinh nghiệm: “Cây bưởi rất chịu nước và cũng rất sợ nước do vậy khi trồng nó phải làm sao cho mùa mưa thoát nước nhanh, mùa nắng phải tưới. Sử dụng phân chuồng bón là chủ yếu để làm nền, mỗi năm bón từ 3-4 lần. Khi cây cho trái thì mỗi tháng bón thêm phân NPK theo chu kỳ của trái để nuôi trái. Khi mới ra trái thì bón thêm phân đạm, kali và lân, riêng phân lân ít hơn. Đặc biệt, khi trái lớn, sắp thu hoạch thì chỉ bón phân lân và kali để trái ngon, chất lượng hơn”.

 

Không dừng lại ở đây, với hiệu quả này, sắp tới anh tiếp tục trồng bưởi thay chỗ cây xoài trên diện tích của mình để tăng hiệu quả kinh tế.

 

Ông Huỳnh Văn Rỉ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ cho biết: “Anh Châu Văn Bối đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm cây bưởi da xanh trên đất Tân Mỹ và đã thành công. Đây là cây trồng mới ở địa phương. Sắp tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này cho nông dân để phát triển kinh tế. Trước mắt, xã vận động bà con chuyển 10 ha vườn tạp, trồng các loại cây không hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Bên cạnh đó, xã tổ chức cho các đồng chí chi hội, tổ hội tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình của anh Bối truyền đạt cho hội viên, nông dân để lập vườn trồng bưởi”.

 

Có thể nói, cây bưởi da xanh đã thật sự thích hợp với vùng đất ở địa phương. Tin rằng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng cho nông dân ở Tân Mỹ. Bên cạnh những cây trồng chủ lực như dừa, lúa, mía, bắp… thì bưởi da xanh, cây trồng góp phần mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nông hộ nơi đây.

Trần Xiện

Đài Truyền thanh Ba Tri

 
In bài viết