Hiệu quả kinh tế từ việc xử lý cho bưởi da xanh ra trái trên nhánh nhệnh
Thứ tư, 22/6/2011 13:20

Không chỉ Chợ Lách, Châu Thành nổi tiếng những vườn cây ăn trái chuyên canh mà Bình Đại cũng có khoảng 2.100 ha cây ăn trái được nhà vườn từng bước áp dụng mô hình trồng chuyên canh, trong đó diện tích vườn bưởi chiếm khoảng 85 ha.  

 

Điển hình là ông Phạm Văn Thời, còn gọi là ông Mười Thời (Phú Thạnh, Phú Thuận) trồng 40 nhánh bưởi da xanh năm 1996. Sau đó, ông nhân rộng được 250 gốc trên diện tích 5.000m2. Năm 2008, ông Mười Thời thu hoạch được 3 tấn trái, nhờ áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Với giá bán trung bình 12.000 đồng/kg, ông được 36 triệu đồng. “Năm 2001, tôi đã thử cho bưởi da xanh ra hoa trên nhánh nhệnh ở 5 cây bưởi gần nhà. Kết quả, trái to đẹp, chất lượng khá ngon. Trong khi đó, những nhánh nhỏ người ta lại cắt tỉa bỏ đi, tôi thì giữ lại. Từ đó, tôi nhân rộng ra cả vườn. Hiện nay, tôi kết hợp với 5 nguyên tắc cơ bản trong quản lý dịch hại tổng hợp”-ông Mười Thời cho biết. 

 

Theo ông Mười, 5 nguyên tắc cơ bản trong quản lý dịch hại tổng hợp là: Trồng, chăm sóc cây khỏe; thăm vườn thường xuyên; nông dân trở thành chuyên gia của vườn cây ăn trái; phòng trừ dịch hại và bảo vệ thiên địch. Trong đó, tập trung bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng trái bưởi. Muốn như vậy, trước hết phải chọn giống tốt. Mùa nắng phải tưới nước thường xuyên. Không nên bón phân quá nhiều mà cũng không quá ít. Cần áp dụng biện pháp thủ công, dẫn dụ côn trùng như rầy chổng cánh. “Môi trường và sức khỏe đang được nhiều người quan tâm. Người trồng nhãn, khi áp dụng biện pháp hoá học phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng chủng loại; đúng liều lượng, nồng độ; đúng thời điểm và đúng kỹ thuật”-ông Mười Thời khẳng định.

 

Trồng cây ăn trái, ai cũng muốn năng suất tăng gấp đôi, nhưng ông Mười Thời thì khác. Ông không để đậu trái quá nhiều. Vườn bưởi da xanh của ông có độ tuổi từ 4-16, năng suất trung bình 3,5 tấn/công. “Chúng ta không nên cho bưởi đậu trái quá nhiều, vì nó dễ giảm tuổi thọ của cây. Tốt nhất là xử lý ra hoa, cho trái vào vụ nghịch. Vì lúc này giá cao. Có như thế mới tăng hiệu quả kinh tế ”-ông Mười Thời không giấu kinh nghiệm.

 

Ông Mười Thời còn là tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất bưởi da xanh theo quy trình IPM tại Phú Thuận, trong đó có 16 thành viên tham gia với diện tích là 8 ha bưởi da xanh chuyên canh.

 

Với thành tựu đạt được, ngày 20-5-2011, tại lễ Tổng kết 4 phong trào Khoa học-Công nghệ (từ năm 2008-2010), ông Phạm Văn Thời vinh dự nhận giải B do Sở Khoa học-Công nghệ tặng vì có thành tích “Cho bưởi da xanh ra trái trên nhánh nhệnh”. Ngoài ra ông còn đạt giải nhì “bưởi da xanh” trong Hội thi Trái ngon-an toàn Nam Bộ lần 3 Sở NN-PTNT Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 1/6/2011.

 

Ngoài cây bưởi, cây nhãn, Bình Đại còn trồng được cây xoài ở tận xã biển Thới Thuận và Thừa Đức. “Mười bốn năm qua, tôi trồng 400 cây xoài cát Hoà Lộc trên diện tích 1ha tại ấp Thới Hòa 1 (còn gọi là cồn Kẽm), xã Thới Thuận. Sau 4 năm, xoài cho trái ổn định. Ban đầu tôi cứ tưởng không trồng được nhưng kết quả rất tốt. Gần 10 năm qua, cứ mỗi năm tôi thu lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng nhờ vườn xoài này”-Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Nguyễn Văn Hoàng nói.

 

Qua tìm hiểu cho thấy Bình Đại có tiềm năng phát triển cây ăn trái. Những vườn nhãn, vườn bưởi ngày càng xanh mướt vươn cành. Trong đó, có phần nước ngọt được trữ lại nhờ Cống đập Ba Lai.

Bài, ảnh: Thanh Hiền

 
In bài viết