Anh Nguyễn Văn Thi với kinh nghiệm trồng bưởi da xanh
Thứ năm, 26/5/2011 14:19

Đến ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ lách hỏi đến anh Nguyễn Văn Thi chắc có lẽ bà con đều biết đến bởi ngoài bản chất cần cù chịu khó chí thú làm ăn, anh còn được biết đến với mô hình trồng bưởi da xanh khá hiệu quả, hàng năm cho thu nhập trên 90 triệu đồng.

 

Anh Thi cho biết, gia đình anh có hơn 6 công đất vườn, trước đây anh dùng 3,6 công để trồng nhãn tiêu quế và 3 công còn lại anh trồng sầu riêng và bưởi da xanh.

 

Qua nhiều năm chăm sóc, cây nhãn tiêu quế phát triển nhanh và cho năng suất tương đối ổn, anh rất kỳ vọng vào loại cây ăn trái này, có thể dùng nó để phát triển kinh tế gia đình. Niềm vui chưa được bao lâu thì nhãn tiêu quế gặp phải điệp khúc đụng hàng dội chợ, nhiều nông dân bất mãn, bắt đầu chặt phá và thay vào đó là giống cây ăn trái khác phù hợp với thị trường, anh Nguyễn Văn Thi cũng không ngoại lệ.

 

Sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu thị trường, cùng với kinh nghiệm và ưu thế sẵn có từ mô hình trồng xen giữa sầu riêng và bưởi da xanh của gia đình, anh Thi quyết định phá bỏ vườn nhãn trồng chuyên canh cây bưởi da xanh.

 

Ý định chuẩn bị thực hiện, năm 2007 huyện Chợ Lách có dự án trồng mới và thâm canh bưởi da xanh. Dự án ra đời anh Nguyễn Văn Thi mạnh dạng đăng ký trồng mới trên diện tích 3. 600 mét vuông và được dự án cung cấp 150 nhánh bưởi da xanh về trồng thử nghiệm.

 

Khi được dự án cung cấp cây giống về trồng, điều quan trọng trước tiên được anh Thi chuẩn bị là đấp mô đất vì cây bưởi rất dễ bị bệnh vàng lá thối rễ, nguyên nhân gây ra bệnh này phần lớn là do đất ẩm thấp bị ngập úng. Anh Thi cho rằng, khi trồng bưởi cần phải đấp mô cao và trước khi đặt bưởi xuống trồng nên chất cỏ xung quanh để đốt mục đích diệt nấm bệnh, côn trùng gây hại và cải tạo lại đất giúp cây phát triển tốt hơn.

 

Nhờ có kinh nghiệm thực tiễn qua chăm sóc vườn bưởi da xanh trước đó và được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do dự án tổ chức và kiến thức có được sau khi trở thành thành viên của tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Việt GAP của xã nên anh đã áp dụng thành công trên vườn  bưởi chuyên canh của gia đình.

 

Hiện nay, vườn bưởi da xanh do dự án cung cấp cây giống được gần 5 năm tuổi, cây thu hoạch được 2 năm, khi mới cho trái vụ đầu đạt 4-5 trái/cây, hiện nay cây phát triển xanh tốt cho trái ổn định, bình quân hơn 15 trái/cây, vụ vừa qua anh Thi thu hoạch hơn 2 tấn trái. Trong đó, tỷ lệ bưởi lớn chiếm hơn 70%, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 35 triệu đồng. Riêng diện tích 3 ngàn mét vuông trồng xen giữa bưởi da xanh và sầu riêng trước đó đến nay hơn 10 năm tuổi cây cho trái ổn định, mỗi năm anh thu hoạch hơn 60 triệu đồng.

 

Anh Thi cho biết: “Thời gian qua, tôi cũng đã trồng nhiều loại cây ăn trái như nhãn tiêu quế, sầu riêng, bưởi da xanh… nhưng so ra bưởi da xanh có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là cây chăm sóc dễ, hiệu quả cao, cây cho trái quanh năm, ăn bền,  hướng tới tôi sẽ thay thế các cây sầu riêng còn lại để trồng đặc sản bưởi da xanh”.

 

Với kinh nghiệm của mình, anh Thi còn cho biết thêm, chăm sóc cây bưởi lúc còn nhỏ là rất quan trọng, vì thời điểm này cây dễ bị sâu bệnh tấn công, đặc biệt là sâu vẽ bùa, khi phát hiện cây bị bệnh cần được chữa trị dứt điểm để cây tạo tán lá cho tốt có điều kiện phát triển nhanh hơn.

 

Ngoài ra, nếu khâu chăm sóc không tốt, cây bưởi da xanh thường hay bị các loại sâu bệnh khác tấn công như: rệp sáp, nấm bệnh, nhện đỏ, vàng lá thối rễ… Đối với phòng bệnh rệp sáp, mỗi năm anh dùng thuốc tưới 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng và tưới thuốc trị nấm 1 lần sau khi tưới thuốc trừ rệp sáp. Khi nhện đỏ xuất hiện trên cây bưởi, nó sẽ hút nhựa cây làm cho trái bị ghẻ, da không láng, để phòng ngừa bệnh này cách tốt nhất nên mua thuốc đặc trị về phun ngừa cho cây vào thời điểm cây sổ nhị bông và phun lần thứ 2 khi trái bằng cổ tay.

 

Riêng bệnh vàng lá thối rễ cũng thường xảy ra trên cây bưởi da xanh, nguyên nhân là do môi trường nước bị ngập úng, cách phòng trị tốt nhất là khai thông thoáng tránh để cây bị đọng nước vào mùa mưa. Mặc khác, anh Thi cũng rất quan tâm và chú trọng đến vấn đề sử dụng phân bón cho cây. Anh nói: “Khâu quan trọng nhất là chăm sóc cây bưởi từ lúc đầu, đảm bảo làm sao cho các khâu phân thuốc sử dụng đúng liều, đúng thuốc và đúng thời gian thì cây mới phát triển tốt về sau nhẹ công chăm sóc”.

 

Anh thi còn cho biết thêm, để sử dụng phân bón phù hợp giúp cây bưởi da xanh cho trái chất lượng là điều không đơn giản, qua tham dự các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm của bà con trong tổ, loại phân bón thường sử dụng cho cây bưởi da xanh được anh Thi áp dụng là phân NPK và Komix. Đối với NPK, sử dụng  lọai 15-15-15 để rãi cho cây, mỗi năm 2 đợt, đợt đầu rãi vào thời điểm cây chuẩn bị ra đọt và đợt thứ 2 rãi vào thời điểm khi cây vừa thu họach xong. Riêng Komix được sử dụng  sau khi rãi NPK được 15 ngày.

 

Nhìn vườn bưởi xanh tốt, cây cho năng suất và chất lượng cao, bên cạnh việc phòng ngừa các loại sâu bệnh theo phương pháp nói trên, anh Thi còn áp dụng biện pháp nuôi kiến vàng trong vườn, vào tháng nắng xung quanh gốc bưởi để cỏ, mục đích giữ ẩm cho cây, chống xói mòn và tạo cho đất thông thoáng.

 

Kinh nghiệm này đã giúp cho anh Nguyễn Văn Thi thành công với mô hình trồng bưởi da xanh, thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.

Trúc Ly

 
In bài viết