Tin hợp tác sản xuất
Hiệu quả từ một Chương trình
Thứ tư, 28/7/2010 16:07

Bưởi da xanh, một trong 4 loại cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Bến Tre. Theo số liệu thống kê, trước năm 2006, diện tích bưởi da xanh của tỉnh có khoảng 1.544 ha, tập trung ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày và Thành phố Bến Tre. Nhìn chung, thời gian này, diện tích bưởi da xanh còn manh mún, bà con nông dân sản xuất mang tính tự phát, năng suất thấp, bình quân từ 9 đến 10 tấn/ha. Trình độ kỹ thuật canh tác chưa đồng đều. Người dân chưa thật sự quan tâm và rất ít áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là khâu thu hoạch, bảo quản, xử lý và chế biến. Trên cơ sở đó, ngày 30-6-2006, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh. Sở khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện chương trình.

 

 

Ngày 14 tháng 8 năm 2006, UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị triển khai chương trình phát triển 4 ngàn ha bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đến tháng 9 năm 2006, chương trình đã thành lập Ban chủ nhiệm của tỉnh gồm: Sở Khoa học và công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Sau đó, các ngành, địa phương cũng đã tiến hành thành lập ban điều hành, hoặc Ban chủ nhiệm triển khai thực hiện tại địa phương.

 

Chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh được thực hiện với mục tiêu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật canh tác, bảo quản, tổ chức quản lý sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng và cạnh tranh sản phẩm, tạo nguồn nguyên liệu tập trung phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Chương trình tổ chức trồng mới 400 ha với năng suất 14 tấn/ha ở giai đoạn cây 5 năm tuổi, trọng lượng trái bình quân 1,5 kg; Nhân rộng, chăm sóc 2.950 ha. Đến năm 2010, toàn tỉnh có 4.000 ha bưởi da xanh được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới.          

 

Sau khi tổ chức triển khai, các địa phương tiến hành công tác điều tra, khảo sát ở 42 xã, phường, thị trấn của các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Thành phố Bến Tre, Giồng Trôm và Mỏ Cày, nay là Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Nội dung điều tra nhằm nắm lại diện tích, kỹ thuật canh tác, năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ. Từ đó, Ban chủ nhiệm chương trình đã tiến hành hợp tác với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành xây dựng bản đồ quy hoạch, đồng thời xây dựng hệ thống ứng dụng thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý, canh tác tổng hợp bưởi da xanh. Đây là bước đi mới nhằm giúp các nhà quản lý cũng như các nhà vườn có những thông tin cần thiết phục vụ cho sản xuất.

 

Để có nguồn giống bưởi da xanh đặc trưng, Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu tuyển chọn dòng đặc trưng bưởi da xanh ở Bến Tre. Các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tiến hành khảo sát 10 vườn bưởi da xanh có uy tín và chất lượng ở 3 huyện Chợ Lách, Châu Thành và thành phố Bến Tre. Trên cơ sở đánh giá về chất lượng như độ dày của vỏ trái, số hạt trong trái, độ Brix và độ pH; đánh giá về tiêu chuẩn năng suất như khối lượng trái, số trái/cây/năm. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã chọn ra một cá thể bưởi da xanh của vườn ông Nguyễn Văn Phước và vườn ông Nguyễn Văn Dư ở xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre với cây trên 20 năm tuổi. Trên cơ sở tuyển chọn, Trung tâm Giống Nông nghiệp đã tiến hành sản xuất 100 cây đầu dòng S0 sạch bệnh và 1 ngàn cây nguyên sinh S1 để cung cấp mắt ghép cho các cơ sở sản xuất giống.

 

Một trong những nội dung quan trọng của chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre là công tác đào tạo và tập huấn. Ban chủ nhiệm chương trình đã tổ chức 206 lớp tập huấn cho gần 6.800 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên và nông dân trong và ngoài vùng dự án tại các huyện Chợ Lách, Châu Thành, thành phố Bến Tre, huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Nội dung các lớp tập huấn bao gồm các vấn đề về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh, kỹ thuật nhân giống; Kỹ thuật xử lý ra hoa tăng năng suất; Phòng trị bệnh; Công tác quản lý vườn bưởi da xanh theo hướng chất lượng và an toàn; Bên cạnh đó là thông tin thị trường; Đánh giá viên nội bộ Auditor; Thời cơ và thách thức khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho trái cây trong đó có bưởi da xanh.

 

Ngoài ra, Ban chủ nhiệm chương trình còn tổ chức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham gia chương trình tham quan tại các vườn bưởi da xanh trong và ngoài tỉnh, giúp bà con nông dân có một cái nhìn sâu sắc hơn về kỹ thuật trồng, cách tổ chức mô hình trang trại và đặc biệt là công tác tổ chức khâu tiêu thụ.

 

Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, chương trình đã xây dựng được mô hình trồng mới ở 74 xã, phường của 5 huyện gồm: Chợ Lách, Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam) và thành phố Bến Tre với trên 1.600 hộ dân tham gia. Tổng diện tích trồng mới 400,5 ha, đạt trên 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, Thành phố Bến Tre dẫn đầu khi vượt chỉ tiêu diện tích trồng mới với 50,5 ha vượt 10% so với kế hoạch. Các địa phương còn lại đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam trồng mới 100 ha, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, có 70% diện tích cây phát triển từ khá đến tốt. Huyện Châu Thành trồng mới 100 ha, đạt 100% kế hoạch với 72% cây phát triển khá và tốt. Huyện Chợ Lách trồng mới 100 ha, đạt 100% kế hoạch, với diện tích cây phát triển khá và tốt chiếm gần 87%, cao nhất so với các địa phương khác. Huyện Giồng trôm trồng mới 50 ha, cây phát triển khá và tốt đạt 74%. Nhìn chung, do ý thức được tầm quan trọng của chương trình, đồng thời chương trình triển khai đúng vào giai đoạn bưởi da xanh có giá cao, nên nông dân tập trung chăm sóc tốt. Qua khảo sát của Ban chủ nhiệm chương trình, trong số 400 ha trồng mới có 74% diện tích cây sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, tình hình sinh trưởng cụ thể từng nơi có sự khác biệt. Một số vùng cây phát triển tốt và được chuyển giao trồng từ năm 2006, đến nay, cây đã cho trái như ở khu vực huyện Chợ Lách, xã Tân Hội-huyện Mỏ Cày Nam, xã Phú Nhuận-thành phố Bến Tre.

 

Bên cạnh trồng mới, chương trình còn tổ chức xây dựng mô hình thâm canh thông qua việc tuyên truyền, tập huấn, hội thảo. Tổng diện tích thâm canh đạt 540,5 ha, chiếm gần 36% diện tích hiện trạng ban đầu. Diện tích thâm canh được thực hiện ở 3 huyện: Chợ Lách với 74,5 ha, Thành phố Bến Tre 252 ha và Giồng Trôm 314 ha. Sau 3 năm thực hiện, các vườn bưởi của mô hình thâm canh có sự chuyển biến về sinh trưởng, năng suất và phẩm chất trái. Tỷ lệ cây phát triển khá tốt đạt 90%, năng suất tăng từ 20-30%, trung bình 15 tấn/ha, chất lượng tăng từ 10 đến 15 % thể hiện qua bưởi loại 1 ngày càng nhiều. Giá bán cũng tăng đáng kể từ 35-50%. Tổng lợi nhuận thu được cao hơn 20-21 triệu đồng/ha/năm.

 

Bên cạnh việc trồng mới và thâm canh, bà con nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nhân rộng diện tích bưởi da xanh. Đến nay, 5 huyện vùng dự án tiếp tục nhân rộng 2.033 ha, nâng diện tích trồng mới của chương trình lên 2.434 ha, chiếm 61% diện tích bưởi của tỉnh. Trong đó có trên 1.500 ha bưởi da xanh cho trái, chiếm gần 39%. Huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam có diện tích nhân rộng 763 ha, kế đến là huyện Châu Thành với 520 ha, Chợ Lách 325 ha, Giồng Trôm 270 ha và thành phố Bến Tre với 154 ha.

 

Công tác thu hoạch, xử lý, bảo quản và chế biến bưởi da xanh là hết sức quan trọng. Nắm bắt được vấn đề này, chương trình đã tổ chức đào tạo 678 cán bộ và nông dân với các chuyên đề như kỹ thuật thu hoạch, xử lý, bảo quản bưởi, thực hành canh tác tốt tốt theo chương trình GAP, phân loại bưởi cấp cơ sở cho buôn bán ở địa phương và vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đào tạo, nông dân đã hiểu biết được công nghệ thu hoạch, xử lý và bảo quản sau thu hoạch để tham gia nhân rộng mô hình. Đề xuất hệ thống phân loại bưởi da xanh phục vụ cho hệ thống cung ứng, làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu bưởi cho dự án. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng 5 quy trình công nghệ thu hoạch, xử lý, bảo quản, chế biến các sản phẩm từ bưởi như trà bưởi, mứt bưởi.

 

Để tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ bưởi da xanh, chương trình còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường. Đầu tiên là xây dựng website quảng bá bưởi da xanh. Website có tên miền www.buoidaxanh-bentre.com.vn. Nội dung trang web giới thiệu về cái nhìn tổng thể và tương đối toàn diện về bưởi da xanh  như: hiện trạng, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, tiềm năng, sản phẩm từ bưởi, thị trường tiêu thụ, địa chỉ cung cấp…. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức thực hiện quảng bá thương hiệu, xác lập và quản lý quyền đối với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi da xanh. Mục tiêu của dự án này là việc đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bến Tre” cho sản phẩm bưởi da xanh. Xây dựng quy trình tổ chức, quản lý nhãn hiệu tập thể sau khi được cấp giấy chứng nhận. Chương trình cũng đã tiến hành vận động và thành lập được 7 mô hình tổ chức quản lý và sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP ở 6 xã, 1 thị trấn với 280 thành viên tham gia và 1 tổ hợp tác tiêu thụ bưởi da xanh với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật. 

 

Nhìn chung, chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã tạo ra được chuỗi giá trị sản xuất từ khâu trồng đến thị trường tiêu thụ và chế biến những sản phẩm từ bưởi da xanh.      

 

Qua 4 năm triển khai thực hiện, chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre đã mở ra hướng đi mới cho các nhà quản lý cũng như các nhà vườn trồng bưởi da xanh nói riêng và cây ăn trái nói chung. Chương trình đã tạo ra một chuỗi giá trị sản xuất mang tính khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, tiêu thụ và chế biến. Giúp nông dân làm quen và tiếp cận với những thông tin kỹ thuật sản xuất và hình thành các phương thức sản xuất mới. Những nội dung mà chương trình thực hiện được là tiền đề để cho cây bưởi da xanh, trái cây đặc sản của Bến Tre có dịp vươn xa trong và ngoài nước.

Cao Đẳng

 
In bài viết