Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP ở Phú Nhuận
Thứ năm, 20/10/2011 10:06

Anh Nguyễn Hữu Lai ấp 3, xã Phú Nhuận xuất thân từ gia đình nông dân, trước đây cuộc sống khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào 4,5 công đất trồng rau màu để sống. Đến năm 2006, dự án phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của tỉnh phát động anh tích cực tham gia đến nay khá thành công và có cuộc sống ổn định hơn trước.

 

 

Anh Nguyễn Hữu Lai bên vườn bưởi sai trái.

Với anh Lai, dù chưa có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng bưởi nhưng từ khi tham gia vào dự án được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, qua tham dự các lớp tập huấn anh đã áp dụng vào vườn bưởi của gia đình với kết quả thành công như mong đợi.

 

Anh Lai cho biết, bưởi da xanh trồng 3 năm cho trái, với diện tích vườn của gia đình anh trồng khoảng 120 gốc, trong đó trồng chuyên canh bưởi là 2 công còn lại là trồng bưởi xen dừa. Về cách trồng, chăm sóc để bưởi luôn xanh tốt và cho trái quanh năm thì phải chọn giống tốt, trước khi trồng nên đắp mô, có hệ thống cấp thoát nước tốt. Phân bón chủ yếu NPK 20-20-15 mỗi tháng bón 1 lần khoảng 200gr/gốc. Hàng năm, bổ sung thêm phân hữu cơ hoặc mụn dừa khoảng 150 bao/4,5 công đất. Sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP nên anh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây mà chủ yếu nuôi kiến vàng vừa hạn chế một số loại sâu bệnh vừa giúp trái bóng, đẹp, bán giá cao. Sâu bệnh thường gặp trên bưởi là sâu vẽ bùa, trong trường hợp này dùng dầu khoáng rất hiệu quả mà không hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Hiện nay, hàng tháng thu hoạch được 4 lần, giá trung bình 24.000 đồng/kg cũng cho gia đình anh khoảng 4 triệu đồng. Ngoài ra, dừa khô hàng tháng cũng cho gia đình thu nhập 1,5 triệu đồng. Một phần dừa trồng xen bưởi chưa cho trái, chỉ với 4,5 công đất nhưng nhờ tính cần cù, sáng tạo và học hỏi kinh nghiệm mà anh tạo dựng cho mình cuộc sống ổn định như hiện nay.

 

Ngoài anh Lai, ở ấp 3 cũng có những người dân khác thành công không kém, điển hình là anh Nguyễn Văn Dũng. Với diện tích 5 công đất, trong đó trồng chuyên canh bưởi là 2,5 công còn lại trồng bưởi xen cam sành. Tính đến nay, cây trồng đã 5 năm tuổi và cho trái sai.

 

Anh Nguyễn Văn Dũng.

Với anh Dũng, mỗi lứa cam thương lái vào tận vườn mua, khoảng 2,5 tấn với giá 10.000 đồng/kg cũng cho gia đình anh thu nhập 10 triệu đồng. Có những lúc nghịch vụ, cam có giá trên 20.000 đồng/kg. Anh Dũng cho biết, bưởi da xanh cho trái quanh năm, hàng tháng thu hoạch 1 lần giá khoảng 25.000 đồng/kg. Trong năm 2010, anh thu hoạch khoảng 3 tấn bưởi và 2,5 tấn cam cũng cho gia đình anh có thu nhập 100 triệu đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, anh thu hoạch khoảng 2 tấn bưởi và 1,5 tấn cam, cũng có nguồn thu gần 70 triệu đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm anh Dũng cho biết còn khoảng 2,5 tấn bưởi và 1,5 tấn cam. Trước đây gia đình trồng nhãn, giá cả bấp bênh từ khi chuyển sang trồng cây có múi đến nay gia đình khá giả hơn trước.

 

Thành công là vậy, nhưng lúc nào anh cũng suy tính dự định cho tương lai phía trước, anh luôn đặt cho mình câu hỏi “làm gì” để biến kiến thức học được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả hơn. Để có được kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi, anh Dũng học hỏi từ nhiều nơi và thường xuyên tham dự các lớp tập huấn do Phòng Nông nghiệp tổ chức. Dẫn chúng tôi ra tận vườn anh phấn khởi nói: “Cây giống trồng ở đây chủ yếu là gốc ghép, cho trái rất sai, tôi chỉ dùng phân NPK kết hợp với phân hữu cơ để bón 3 lần/năm và tùy vào độ tuổi cây mà có liều lượng phân thích hợp, trồng bưởi theo tiêu chí VietGAP không khó, vừa tiết kiệm công lao động, chi phí, chất lượng trái cũng ngon hơn”.

 

Hiện nay ở xã Phú Nhuận có 20 hộ trồng bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP mà hai anh Lai và Dũng là những điển hình.

Ngọc Minh

 
In bài viết