Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Bưởi da xanh ở thành phố Bến Tre
Thứ hai, 17/10/2011 15:35

Vùng đất Sơn Đông như được thiên thiên ưu đãi, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với các loại cây trồng không chỉ rau màu mà cây ăn trái cũng phát triển khá tốt và đem lại hiệu quả kinh tế khả quan cho nhiều người dân nơi đây. 

 

Anh Huỳnh Văn Hùng ở ấp 4, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre là một trong những người dân của xã đã áp dụng thành công mô hình trồng cây ăn trái chủ yếu là chuyên canh bưởi da xanh. 

 

Trước đây, anh đã từng trồng rau màu thu nhập khá cao nhưng do nền đất cũ cộng với tuổi cao, không còn đủ sức khỏe nên anh chuyển sang trồng bưởi da xanh vào năm 2006 của dự án Phát triển 4.000 ha bưởi da xanh. Thời gian đầu, anh trồng chuyên canh 120 gốc bưởi ghép trên diện tích 3.500 m2 đất vườn, đến nay cây phát triển tốt và cho trái sai. Thấy hiệu quả từ bưởi mang lại, năm 2008 anh chiết nhánh và mở rộng diện tích trồng bưởi trên 1.500 m2 đất còn lại nhưng lần này anh không trồng chuyên mà chọn cách trồng xen trong vườn dừa.

 

Với bản chất nhà nông cần cù, chịu khó anh Hùng không giấu kinh nghiệm trồng bưởi của mình, anh nói: “Trồng bưởi da xanh phải có bờ bao, lên liếp, đắp mô, xẻ mương để có hệ thống thoát nước tốt, cây mới phát triển được. Bưởi cho nhiều trái, vì vậy trên cùng một chùm, nếu sai trái nên bỏ bớt, có như vậy mới đạt chất lượng. Về phân bón, tùy theo tuổi cây mà có liều lượng thích hợp. Định kỳ, 1 năm bón 3 lần phân, chủ yếu urê, lân, kali. Đối với cây có từ 6 năm tuổi thì bón trọng lượng 1,2 kg/cây đồng thời kết hợp phân chuồng chủ yếu là phân bò hoai. Đối với những cây cho nhiều trái, có cây khoảng 100 trái, nên bổ sung thêm phân 20-20-15 định kỳ 2 tháng/lần”.

 

Cây ăn trái thường bị kiến hôi tấn công vì vậy phải nuôi kiến vàng-loại kiến có lợi cây trồng, giúp trái bóng đẹp và hạn chế một số bệnh. Bệnh thường gặp trên bưởi là sâu vẽ bùa, làm trái không đẹp, bán mất giá… vì vậy, phải thường theo dõi và phát hiện kịp thời đồng thời sử dụng các loại thuốc đặc trị để phun với liều lượng và thời gian cách ly theo chỉ dẫn của nhà phân phối.

 

Hiện nay, vườn bưởi chuyên canh hàng tháng anh thu hoạch khoảng 400-500 kg trái chủ yếu bán cho Hương Miền Tây, với giá 24.000 đồng/kg cũng cho gia đình anh thu nhập gần 10 triệu đồng. Những lúc bưởi hút hàng anh bán với giá cao, có khi lên đến 32.000 đồng/kg. Dừa khô hàng tháng khoảng 200 dừa, với giá 120 ngàn đồng/chục cũng cho anh thu nhập 2,4 triệu đồng. Với vườn bưởi chiết nhánh trồng xen trong vườn dừa, anh Hùng cho biết, 2 năm đã cho trái nhưng không nên để trái sớm. Đó cũng là một trong những bí quyết giúp bưởi cho trái bền lâu.

 

Theo nhiều nhà vườn hiện nay, trồng bưởi da xanh theo tiêu chí VietGAP để bán được giá cao và được bao tiêu sản phẩm. Với anh Hùng lại khác, theo anh để đạt tiêu chí VietGAP không khó, vì bưởi của anh chất lượng khá tốt, tán đều, rộng và cho nhiều trái. Những tiêu chí để thực hiện theo quy trình VietGAP anh đều có đủ nhưng truyền thống gia đình trước nay chăn nuôi gia súc, gia cầm nên không thể bỏ được. Đồng thời chăn nuôi vừa có thêm nguồn thu nhập vừa giúp bổ sung lượng phân hữu cơ giúp cây trồng phát triển tốt.

 

Song song với những thành quả đạt được là nhờ anh chịu khó trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh trong câu lạc bộ bưởi da xanh của xã. Ngoài ra, anh còn tham dự các lớp tập huấn do Phòng nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông thành phố hướng dẫn. Ngoài ra, anh còn tham gia lớp đào tạo nghề trồng cây ăn quả do Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tổ chức.

 

Nhờ cần mẫn trong lao động mà anh được UBND Thị xã (nay là thành phố) tặng giấy khen vì tích cực tham gia thực hiện tốt dự án bưởi da xanh năm 2006-2007. Năm 2009, anh còn được UBND xã Sơn Đông tặng giấy khen với thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở. Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng anh Hùng cho biết sẽ cố gắng phấn đấu để tiếp tục đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi vào những năm tiếp theo.

KT

 
In bài viết