Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Thoát nghèo nhờ trồng bưởi da xanh
Thứ năm, 22/9/2011 09:58

Hợp tác xã bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre đạt chứng nhận VietGAP vào tháng 5/2011, tổng diện tích 7,26 ha, với 20 xã viên thuộc xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Thảnh ở ấp 2, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre.

 

 

Hiện nay, gia đình có 5 công đất trồng bưởi da xanh chuyên canh. Bà Thảnh tâm sự, dù có đất sản xuất và trồng qua nhiều loại cây nào là mía, nhãn,… nhưng hết lần này đến lần khác đều không có hiệu quả, phải đốn bỏ vì vậy kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn. Từ khi trồng bưởi đến nay, cuộc sống ổn định hơn trước.

 

Dù tuổi đã ngoài 70, với những bước đi chậm chạp nhưng hàng tháng bà vẫn tham dự đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh do cán bộ Phòng Kinh tế thành phố tổ chức để áp dụng cho vườn của gia đình và phổ biến bà con xung quanh. Không ngần ngại khi trao đổi với chúng tôi về những kinh nghiệm học được bà nói: “Trồng bưởi phải có các kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc, từ khâu chuẩn bị đến chọn giống, làm đất,... Trước khi trồng phải đắp mô từ 2-4 tuần, lên liếp rộng từ 6-8m, có hệ thống thoát nước tốt để không bị đọng nước vào mùa mưa làm úng rễ cây. Về cây giống, có thể trồng chiết cành hoặc giống ghép, nhưng đảm bảo cây có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh. Gia đình tôi có sẵn giống bưởi da xanh nên tự chiết nhánh trồng từ năm 2006 đến nay”.

 

Bên cạnh các khâu như chọn giống, làm đất thì bà Thảnh còn cho biết, bưởi chuyên canh phải trồng thêm cây che mát như so đũa chẳng hạn, lúc cây còn nhỏ, dọn sạch cỏ để không tranh giành dinh dưỡng làm cây mất sức. Khi cây cho trái nên để cỏ dưới gốc để tăng cường độ ẩm cho cây, nếu cỏ cao phải cắt dọn bớt. Cung cấp nước đầy đủ cho cây nhất là giai đoạn cây con, ra hoa đậu trái và vào mùa nắng.

 

Về phân bón, cây từ 1-3 năm tuổi bón nhiều đợt trong năm chủ yếu là Urê và NPK, và phải pha với nước để tưới. Khi cây lớn bón phân trực tiếp, bằng cách xới đất xung quanh gốc (không xới sâu quá dễ làm đứt rễ cây) sau đó rải phân, lấp đất lại rồi tưới nước. Trong giai đoạn này dùng phân hữu cơ để bón cho cây, hạn chế sử dụng phân hóa học.

 

Với những kiến thức học được cùng kinh nghiệm thực tiễn, bà Thảnh đã áp dụng thành công và có được vườn bưởi xanh tốt, sai trái. Phải nói người dân hiện nay rất am hiểu về thị hiếu khách hàng, ngoài quan tâm đến chất lượng thì sản phẩm còn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Nhìn những quả bưởi xanh bóng, tôi nghĩ chắc phải sử dụng nhiều đến thuốc bảo vệ thực vật mới được như vậy. Không đợi tôi hỏi, bà Thảnh nói tiếp: “Trồng bưởi da xanh theo tiêu chí VietGAP, vườn chỉ nuôi kiến vàng để hạn chế bệnh trên cây và không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Như vậy, trái vừa bóng đẹp lại an toàn sức khỏe, bệnh thường gặp trên bưởi là rệp sáp, nếu gặp trường hợp này dùng dầu khoáng để trị rất hiệu quả”. 

 

Bà Thảnh còn cho biết thêm, bưởi da xanh có đặc tính dễ trồng, lại thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên chỉ cần áp dụng đúng quy trình theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật là bưởi xanh tốt và cho trái quanh năm. Với giá cả ổn định như hiện nay, hàng tháng gia đình có thu nhập khoảng 5 triệu đồng.

 

Bằng sự sáng tạo, cần cù trong lao động và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tháng 5/2011 vừa qua bà được Ủy ban nhân dân Thành Phố tặng giấy khen vì thực hiện tốt sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chí VietGAP trên địa bàn thành phố.

KT

 
In bài viết