Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng bưởi da xanh của anh Nguyễn Thanh Sơn
Thứ sáu, 29/7/2011 14:12

Phú Túc là một trong 8 xã của huyện Châu Thành thực hiện thí điểm mô hình dự án bưởi da xanh của tỉnh và cũng là một trong những xã có số hộ trồng bưởi da xanh cao của huyện. Toàn xã hiện có 165 hộ trồng bưởi da xanh với diện tích trên 103 ha; trong đó có 110 hộ nằm trong dự án Phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Sơn ngụ ấp Phú Mỹ, xã Phú Túc là 1 trong những hộ được dự án hỗ trợ giống bưởi da xanh và trồng đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

 

Với vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc, anh Sơn không chỉ là người cán bộ năng nổ trong công việc mà khi về nhà anh là người nông dân chăm chỉ với 2.000m2 đất trồng bưởi da xanh của mình. Anh kể lại: Cách đây 5 năm, vườn của anh trồng chuyên canh cây nhãn tiêu quế, thời điểm đó giá nhãn lại bấp bênh. Từ khi nghe dự án trồng bưởi da xanh của tỉnh anh bắt đầu chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang bưởi da xanh. Bước đầu anh gặp không ít khó khăn trong cách chăm sóc, bón phân, phun thuốc nhưng nhờ được Sở khoa học và Công nghệ hướng dẫn, tập huấn nên 80 gốc bưởi của anh Sơn đã phát triển tươi tốt và cho trái gần 1 năm nay. Mỗi tháng thu hoạch trung bình 60 kg bưởi với giá dao động từ 14.000-28.000 đồng/kg.

 

Anh Sơn cũng cho biết thêm, anh không xử lý bưởi cho trái nghịch vụ mà để cho trái tự nhiên, có như vậy cây mới phát triển tốt, năng suất cao. Về phân bón, mỗi năm anh bón phân 3 lần, chủ yếu vào mùa mưa, lần thứ nhất bón phân hữu cơ liều lượng khoảng 15kg-20kg/gốc, lần thứ 2 và thứ 3 bón kết hợp phân hữu cơ và phân hóa học mà chủ yếu là phân 16-16-8 với tỷ lệ khoảng 500g-600g/gốc. So với các loại cây khác, thì cây bưởi da xanh ít bị bệnh, chủ yếu là do sâu ăn hại lá non, nên ngoài bón phân thì anh cũng kết hợp phun thuốc trừ sâu. Đến khi cây có bông thì phun thuốc dưỡng bông, dưỡng trái. Khi cây bắt đầu cho trái, trên mỗi chùm anh ngắt bỏ trái ở vị trí trên đọt, chỉ giữ 1 trái để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Ngoài ra, anh tiến hành bồi bùn trên mô cho cây vào mùa khô, tạo tán, tỉa cành cho tròn đều và đặc biệt là vườn cây phải thông thoáng, đủ ánh sáng để cây phát triển tốt và hấp thụ chất dinh dưỡng.

 

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý từ cây cho năng suất kém, hiệu quả không cao sang trồng loại cây có giá trị kinh tế, từ đó đã giúp gia đình anh Sơn có hướng đi mới. Mặc dù cây còn nhỏ chưa cho thu hoạch cao nhưng tin rằng với kỹ thuật chăm sóc cùng vùng đất canh tác màu mỡ, 80 gốc bưởi da xanh của anh Sơn sẽ ngày càng phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa.

Cẩm Nhung

 
In bài viết