Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Làm giàu từ bưởi da xanh
Thứ bảy, 18/6/2011 08:39

Xuất thân từ nông dân chính gốc, lấy niềm vui từ ruộng vườn làm lẽ sống, ông Nguyễn Văn Mẫu, ấp Tích Phúc, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc đã xác định “người nông dân muốn làm giàu không chỉ phải cần cù, siêng năng là đủ, mà phải biết chọn cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đúng cách, đúng thời điểm và đủ liều lượng”.

 

 

Do đất nhà ông Mẫu hàng năm đều phải chịu hạn mặn xâm nhập sâu từ một đến hai tháng, nên khi trồng lúa, rau màu và một số loại cây khác, sau một thời gian cây trồng đều bị thất bát, thu nhập kém. Năm 2006, được nhận 160 gốc bưởi từ chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh tỉnh Bến Tre đến năm 2010 của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bến Tre, ông Mẫu mạnh dạn đầu tư vốn vào trồng bưởi da xanh kết hợp trồng xen trong vườn dừa. Qua thời gian chăm sóc, nhận thấy bưởi phát triển tốt, có khả năng chịu được độ mặn trong thời gian nhất định, nên ông quyết định nhận thêm 160 gốc bưởi da xanh trong đợt 2. Đến nay, gia đình ông đã có 13 công đất trồng 320 gốc bưởi da xanh xen 200 gốc dừa.

 

Theo chân ông Mẫu ra vườn bưởi đang rợp bóng mát bởi những tán lá xanh non mượt mà, xòe rộng, trái sai, căng tròn mới thấy được hết tâm huyết và công sức ông Mẫu bỏ ra từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch trái. Mỗi liếp bưởi được chia thành 2 hàng, mỗi gốc cách nhau 3 m. Khi mới trồng, cứ cách 2-3 ngày là tưới nước 1 lần, đến khi cây trưởng thành, cho trái thì mỗi tuần tưới 1 lần, hàng năm đều bồi bùn để che mô đất, giúp mát gốc bưởi và bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Trong vườn, ông luôn để cỏ mọc tự nhiên, vừa tận dụng nguồn thức ăn cho bò vừa có tác dụng làm mát và bảo vệ gốc cây vào mùa mưa. Ông cho biết, việc trồng bưởi không khó, cái khó là phải biết kết hợp các loại phân bón và bón đúng thời điểm. Trung bình cách 2,5 tháng ông bón phân một lần, bình quân mỗi gốc bón 300 gram hỗn hợp phân urê, lân và kali. Đến khi cây có trái non thì bón ít phân ka li, ưu tiên cho phân lân và urê. Đến lúc trái lớn thì tăng phân kali giúp cho trái đẹp, vỏ mỏng, da bóng, và tăng độ ngọt. Ngoài ra, mỗi năm một lần, ông bón thêm từ 10 đến 15 kg phân chuồng vào đầu mùa mưa để đất tơi xốp, bổ sung thêm chất dinh dưỡng, giúp bưởi phát triển xanh tốt. So với các loại cây khác, thì cây bưởi da xanh ít bị bệnh, chủ yếu là do sâu vẽ bùa ăn hại lá non, nên ngoài bón phân thì cần kết hợp phun thuốc trừ sâu. Đến khi cây có bông thì phải phun thuốc dưỡng bông, dưỡng trái, giúp cây trồng đạt hiệu quả cao nhất.

 

Vào mùa nước mặn xâm nhập vào các ao trong vườn, phải tỉa bỏ bớt trái và không tưới nước để cây tránh bị suy kiệt. Hàng năm, đều quét vôi gốc bưởi để ngăn sự cư trú và phát triển của sâu bệnh. Về cách để trái cho cây, số lượng trái hàng năm dựa vào sự phát triển của từng cây bưởi và chỉ để lại mỗi chùm từ 1 đến 2 trái để cây không mất sức.

 

Ưu thế vượt trội của bưởi da xanh là ở chất lượng, dinh dưỡng cao, tép bưởi khô, ngọt nhiều, trái to, màu đẹp, ít hạt và có giá trị trên thị trường xuất khẩu… nhờ đó giá cao hơn so với các loại bưởi khác. Năm 2010, ông Mẫu thu hoạch trên 5 tấn trái, trừ đi các khoản chi phí ông thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Hiện tại, thương lái đến tận vườn mua với giá trên 28 ngàn đồng/kg, hứa hẹn một mùa bưởi được giá, thu nhập kinh tế nâng cao.

 

Để có được một mô hình bưởi da xanh trồng xen trong vườn dừa đạt hiệu quả cao, ngoài tính cần cù siêng năng, ông Nguyễn Văn Mẫu còn tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi, lớp IPM trồng cây có múi do Hội Nông dân xã Khánh Thạnh Tân phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỏ Cày Bắc tổ chức. Bên cạnh đó, ông còn là hội viên của câu lạc bộ Bưởi da xanh, do Hội Nông dân 3 xã Khánh Thạnh Tân, Tân Thanh Tây và Nhuận Phú Tân liên kết, gồm 52 hội viên, với khoảng 16 ha bưởi da xanh, trong đó, hộ trồng bưởi da xanh nhiều nhất có hơn 10 công.

 

Dám nghĩ, dám làm là những cụm từ mà bà con trong ấp Tích Phúc, xã Khánh Thạnh Tân thường nói về người nông dân Nguyễn Văn Mẫu. Không chùn bước trước những thất bại ban đầu, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào bưởi da xanh. Nhìn những cây bưởi sai trĩu quả, có thể hiểu công sức và tâm huyết của ông cho cây bưởi đến nay đã được đền đáp xứng đáng.

                                                                             Ngọc Tuyền

 
In bài viết