Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Cô Phạm Thị Hường tham gia trồng  bưởi da xanh
Thứ sáu, 10/6/2011 16:08

“So với các loại cây ăn trái khác, bưởi da xanh được xem là cây dễ trồng, dễ chăm sóc và hiệu quả kinh tế lại cao, với ưu điểm đó mà tôi quyết tâm chọn trồng và gắn bó với cây bưởi da xanh”. Đó là lời chia sẻ của cô Phạm Thị Hường ấp Phụng Đức, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách khi được hỏi về cây bưởi da xanh mà cô đã gắn bó 9 năm qua. 

 

Cô Hường cho biết, trước đây cô là giáo viên, sau khi về hưu có thời gian cô bắt đầu chăm sóc vườn cây ăn trái 3 ngàn mét vuông trồng chôm chôm. Tận dụng ở vườn có khoảng đất trống cô Hường trồng xen thêm 13 nhánh bưởi da xanh được mua ở Hội chợ giống cây trồng. Cô Hường nói: “Sở dĩ tôi chọn bưởi là cây trồng xen trong vườn chôm chôm nhằm mục đích lấy trái ăn, vì nghe trái bưởi có giá trị dinh dưỡng khá cao”. Theo cô Hường, cây bưởi da xanh được trồng hơn 4 năm thì bắt đầu cho trái, cây bị rập nên phát triển không đều, cho trái ít, đến khi có một vài cây chôm chôm được trồng gần đó bị chết thì cây bưởi phát triển mạnh, tàn đều, lá sum xuê và đặc biệt là cây cho trái ăn khá ngon. Chỉ 13 cây bưởi da xanh, mỗi năm cô thu hoạch hơn 600 kg, bình quân mỗi cây cho từ 50-60 kg, trừ đi chi phí còn lãi hơn 13 triệu đồng.

 

Từ hiệu quả này đã kích thích cô Phạm Thị Hường tiếp tục gắn bó với cây bưởi da xanh, nhưng hiện tại vườn chôm chôm nhãn cũng cho năng suất và hiệu quả cao, đốn bỏ là đều không thể. Năm 2009, không may vườn chôm chôm xử lý tạo trái chưa đúng dẫn đến cây bị chết, đã yêu thích cây bưởi nên cô Hường quyết tâm cải tạo lại vườn, dùng bưởi da xanh sẵn có chiết hơn 120 nhánh để trồng chuyên canh cây bưởi da xanh trên diện tích 3 ngàn mét vuông. Hiện nay cây hơn 2 năm tuổi, phát triển khá tốt, Cô Hường hy vọng sẽ thành công với mô hình này.

 

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây bưởi da xanh cô Hường bộc bạch “Trồng bưởi da xanh thực ra không khó, nhưng muốn cây phát triển tốt, theo tôi trồng bưởi cần phải đắp mô, mục đích giúp cây khô thoáng không bị ngập úng vào mùa mưa. Đối với cây bưởi khi trồng, chuẩn bị mô đất đắp trước đó khoảng 3 tháng để đất khô ráo, dùng vôi bột sát trùng đất và dùng phân DAP kết hợp NPK (20-20-15) để bón lót, sau đó đặt nhánh bưởi vào trồng, tưới nước mỗi ngày vào mùa nắng. Khoảng 3 tháng sau dùng phân NPK 30-30-0 để tưới cho cây, giúp cây xanh tốt, trọng lượng khoảng 1 muỗng cà phê/cây, rãi mỗi tháng. Đến khi cây bưởi da xanh được 1 năm tuổi tiếp tục dùng phân NPK (30-30-0) để rãi cho cây nhưng trọng lượng tăng lên 1 muỗng canh/cây. Sang năm thứ 3 cây đã phát triển tốt, để kích thích cho cây ra hoa và nuôi trái tôi dùng phân cò vàng (20-20-15), trọng lượng khoảng 200 gr/cây, rãi 4 lần mỗi lần cách nhau 2 tháng cho đến khi thu hoạch trái”.  

 

Cô Hường còn cho biết thêm, dưới gốc cây cỏ mọc nhiều nhưng không dùng thuốc diệt cỏ mà làm cỏ bằng tay, sau đó dùng số cỏ làm được đắp lại gốc bưởi nhằm giúp cây thoáng mát, tạo phân, không bị úng rễ…  

 

Kinh nghiệm để chăm sóc vườn bưởi da xanh mà cô Hường có được, theo cô một phần cũng nhờ vào kiến thức trước đây cô học được tại Trường Nông-Lâm-súc, sau này học hỏi thêm sách báo và nghe đài.

Thảo Vy

 
In bài viết