Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Quyết tâm khôi phục vườn bưởi da xanh
Thứ tư, 11/5/2011 15:33

Đó là ông Nguyễn Văn Xường, cách nay hơn 4 năm, từ ấp Bình An, thị trấn Chợ Lách, ông đã dọn nhà đến ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Nghĩa sinh sống và lập nghiệp. Với 2,6 công đất vườn trồng chuyên canh 50 cây bưởi da xanh cho hiệu quả kém nhưng với sự cần cù chịu khó, ông đã khôi phục lại vườn bưởi, hiện nay cây cho trái ổn định. 

 

 

Vườn bưởi da xanh nhà ông Nguyễn Văn Xường.

Được biết, khi gia đình ông đến đây ở, ngoài căn nhà xung quanh còn có vườn bưởi da xanh được chủ nhà trước kia trồng sẵn. Vườn bưởi vốn đã xuống cấp nặng, hiệu quả kém. Ông Xường có ý định dùng sức lao động của mình cải tạo lại chúng, nhưng bà con trong xóm ai cũng khuyên nên đốn bỏ bưởi da xanh trồng lại cây ăn trái khác. Ban đầu ông cũng hơi nãn chí, do bản thân chưa có kinh nghiệm hay kiến thức về cách trồng và chăm sóc bưởi da xanh. Qua nhiều lần suy tính, cuối cùng ông cũng chọn cho mình cách khôi phục lại vườn.

 

Trước khi bắt tay vào chăm sóc vườn bưởi vốn đã bị xuống cấp, điều ông Xường quan tâm trước tiên là vốn kiến thức về bưởi da xanh. Ông nghe đài, xem báo để học hỏi thêm kinh nghiệm về cây bưởi. Đến năm 2008, khi xã Hòa Nghĩa thành lập Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh tại ấp Định Bình, ông xin tham gia vào tổ mục đích đầu tiên là để tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm của bà con trong tổ, những người đi trước đã thành công với mô hình trồng bưởi da xanh, sau đó mang về vận dụng trên mảnh vườn của mình với mong muốn cho cây bưởi khôi phục trở lại.

 

Tiếp thu dần các kiến thức của bà con trong tổ, tham quan thực tế nhiều mô hình và sự hướng dẫn tận tình của các kỹ sư thông qua các buổi tập huấn hội thảo, dần dần vườn bưởi da xanh của ông Xường có sự chuyển biến tốt. Qua 2 năm chăm sóc, cây bưởi đã khôi phục trở lại, tuy cây cho năng suất chưa cao nhưng so với những vụ trước khi ông vừa dọn nhà đến đây ở đã phát triển khá nhiều, vụ đó ông thu họach được 700 kg trái và cứ thế năng suất được tăng lên hàng năm.

 

Đây là một quá trình đầy khó khăn nhưng ông Xường đã cố gắng học hỏi để cải tạo lại vườn bưởi. Thấy cây bưởi da xanh phát triển tốt và thích nghi với sự chăm sóc từ bàn tay của mình. Từ đó, ông Xường quyết định nhân giống để bổ sung vào khoảng đất trống, đồng thời nhằm mục đích thay thế những cây vốn đã già cõi trước kia. Để những cây hậu bị sau này cho trái tốt, chất lượng ngon, được thị trường chấp nhận, theo ông việc lựa chọn giống để trồng là rất quan trọng. Vì thế ông Xường đã lựa chọn những cây đẹp, xanh tốt cho trái ngon để chiết nhánh.

 

Hiện nay, trên diện tích 2,6 công đất ông đã trồng phủ được 90 gốc bưởi da xanh, cây lớn nhất hơn 10 năm tuổi và cây nhỏ nhất được ông nhân thêm đến nay gần 4 năm tuổi, cây bắt đầu cho trái chiến và chất lượng so ra hơn hẳn những cây ban đầu. Vụ vừa rồi vườn bưởi của ông thu hoạch hơn 3 tấn trái, giá bán trung bình 15 ngàn đồng/kg, trừ đi chi phí ông còn lãi hơn 40 triệu đồng.

 

Để cải tạo lại vườn bưởi da xanh, theo kinh nghiệm của mình, ông Xường cho biết: “Cây bưởi da xanh bản thân nó không khó chăm sóc, điều quan trọng để cây xanh tốt và cho trái ổn định là cần phải tưới nước đầy đủ, vào mùa nắng tuyệt đối không để cây thiếu nước. Về phân bón, tôi không sử dụng phân hóa học mà chỉ dùng phân hữu cơ để rãi, mỗi tháng tôi sử dụng phân hữu cơ một lần với trọng lượng khoảng 250-300 kg cho gần 100 gốc bưởi. Về cách phòng ngừa sâu bệnh cho cây bưởi da xanh, tôi không dùng thuốc trừ sâu, mà phòng ngừa bằng cách nuôi kiến vàng. Với biện pháp này, thời gian qua tôi thấy có nhiều hiệu quả trên cây bưởi, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian và bảo vệ môi trường”.

 

Ông Xường còn chia sẻ với chúng tôi: “So với vườn bưởi da xanh khác, vườn bưởi của tôi đạt năng suất và hiệu quả chưa cao, nhưng với tôi là cả một quá trình chăm sóc chúng, tôi rất vui vì quyết định giữ lại vườn bưởi của mình thay vì đốn bỏ, xem ra là đúng”.

                                 Thảo Vy

 
In bài viết