Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Mô hình trồng chôm chôm xen bưởi da xanh
Thứ ba, 19/4/2011 15:06

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cây cho năng suất kém, hiệu quả không cao sang trồng loại cây có giá trị kinh tế là một trong những giải pháp giúp nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Nông dân Trần Hoàng Vinh ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, cũng là một trong những người thành công với giải pháp này. 

 

Anh Vinh cho biết, trước khi đến với mô hình trồng xen chôm chôm và bưởi da xanh, gia đình anh trồng nhãn tiêu quế. Khoảng 10 năm trước, do có quá nhiều hộ tham gia mô hình trồng nhãn dẫn đến giá cả bấp bênh, đời sống của nông dân trồng nhãn cũng có nhiều khó khăn. Gia đình anh cũng không ngọai lệ. Trên diện tích 3 ngàn mét vuông đất trồng nhãn, mỗi năm thu hoạch vài tấn trái.

 

Qua nghiên cứu thị trường và tham quan vườn cây ăn trái hiệu quả của một số bà con, năm 2004 anh quyết định đốn toàn bộ cây nhãn và thay vào đó là cây bưởi da xanh và cây chôm chôm.

 

Anh Vinh chia sẻ: “Sở dĩ tôi chọn 2 giống cây này thay thế cây nhãn, phần là do thị trường bưởi da xanh và chôm chôm lúc đó ổn định, giá bán khá cao; tôi nghĩ 2 giống cây này cũng thích hợp trồng xen nhau và lỡ sau này chôm chôm có ế chợ, tôi cũng còn lại giống bưởi da xanh. Cũng may bưởi da xanh và chôm chôm đều là cây có giá trị cho nguồn thu nhập khá giúp gia đình ổn định cuộc sống”.

 

Trên diện tích 3 ngàn mét vuông anh trồng 80 gốc bưởi da xanh và hơn 80 gốc chôm chôm đường + chôm chôm thái. Đối với chôm chôm, anh không xử lý cho cây ra trái vụ nghịch mà thu hoạch theo thời vụ vào tháng 5 âm lịch, mỗi năm bán hơn 2 tấn trái, trừ đi chi phí còn lãi hơn 30 triệu đồng.

 

Nói về kinh nghiệm của mình trong việc chăm sóc cây chôm chôm theo thời vụ, anh Vinh cho biết: “Để cây chôm chôm thu họach vào tháng 5 âm lịch, khoảng giữa tháng 10 là tôi bắt đầu xử lý, trước khi siết nước 4 ngày tôi dùng phân NPK 20-20-15 với trọng lượng 50 kg rãi cho 80 gốc chôm chôm, tiếp theo tôi tưới nước liên tục trong 3 ngày, sau đó bắt đầu siết nước. Khoảng 1 tháng sau cây ra bông thì tiếp tục tưới nước trở lại, đồng thời kết hợp dùng phân bón NPK 15-15-15 để rãi cũng với trọng lượng 50 kg. Đến 20 ngày hoặc 1 tháng sau, dùng phân hỗn hợp Urê+Lân+Kali trọng lượng 100 kg/80 gốc để rãi cho cây mục đích nuôi trái, cứ cách nhau khoảng 15-20 ngày sử dụng phân hỗn hợp này 1 lần, rãi liên tục trong 5 lần cho đến khi trái chín”.

 

Riêng về cây bưởi da xanh, sau 3 năm chăm sóc cây bắt đầu cho trái, những mùa đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm, đồng thời cây còn tơ nên năng suất và chất lượng đạt không cao (trái to nhưng vỏ rất dày). Qua tìm tòi, học hỏi nhiều nơi và tích lũy kinh nghiệm của bản thân anh mang áp dụng vào cây bưởi da xanh, kết quả hơn như mong đợi. Sang mùa vụ thứ 3 cây cho trái ổn định, chất lượng tốt hơn, thu hoạch 1 lần/tháng, trung bình từ 500kg-1 tấn trái, có thương lái đến tận vườn thu mua và đánh giá cao về sản phẩm bưởi của gia đình anh. Mỗi năm, vườn bưởi thu hoạch hơn 4,5 tấn trái, trong đó tỷ lệ bưởi lớn chiếm hơn 70%,  giá bán cao nhất 32.000đ/kg và thấp nhất 15.000đ/kg, trừ đi chi phí còn lãi hơn 80 triệu đồng.

 

Anh Vinh cho biết bưởi da xanh và chôm chôm kết hợp trồng xen với nhau có nhiều thuận lợi, giảm chi phí trong việc sử dụng phân bón và tưới nước cho cây, khi tưới chôm chôm thì cũng có thể tưới cho bưởi. Nhưng điều quan trọng là chôm chôm có thể che mát cho cây bưởi da xanh.

 

Với kinh nghiệm của mình anh Vinh còn cho biết thêm “Cây Bưởi da xanh bản thân nó rất chịu nước, vào mùa nắng tưới đủ nước cho cây, nhưng vào mùa mưa phải tưới sao cho phù hợp, thừa nước cây dễ bị bệnh vàng lá thối rễ và bị bệnh rệp sáp…. Đối với cây chôm chôm hay bưởi da xanh tất cả đều có sâu bệnh nhưng theo tôi cách phòng bệnh tốt nhất là nuôi kiến vàng”.

 

Anh Vinh áp dụng biện pháp nuôi kiến vàng trong vườn cách nay hơn 4 năm, từ 1 vài ổ kiến vàng ban đầu đến nay số lượng đàn kiến tăng lên đáng kể. Điều quan trọng từ khi áp dụng biện pháp nuôi kiến vàng đến nay, vườn trái cây của anh hầu như không bị sâu bệnh tấn công và cũng không phải tốn tiền mua thuốc ngừa sâu. Đây cũng là một trong các nguyên nhân đuợc thương lái đánh giá cao về sản phẩm trái cây của gia đình anh. 

Trúc Ly

 
In bài viết