Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh
Trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả cao ở xã Mỹ Thạnh An
Thứ năm, 21/10/2010 07:45

Toàn xã Mỹ Thạnh An-thành phố Bến Tre có hơn 120 ha bưởi da xanh nằm trong dự án phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của Bến Tre. Từ lâu, thương hiệu bưởi da xanh Mỹ Thạnh An đã được nhiều người biết đến vì chất lượng ngon không thua kém bất cứ vùng đất nào. Để khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, xã đã hình thành Hợp tác xã bưởi da xanh Mỹ Thạnh An để nhận các hợp đồng tiêu thụ, mua bán, đồng thời cung cấp cây giống cho nông dân có nhu cầu trồng bưởi. UBND xã đã chọn cây bưởi da xanh là cây chủ lực để phát triển kinh tế nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân. Rất nhiều hộ dân đã vượt khó, thoát nghèo và có cuộc sống ổn định nhờ vào cây bưởi da xanh.

 

 

Anh Lê Kiến Trúc là một trong những nông dân điển hình trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả cao ở ấp An Thạnh A, xã Mỹ Thạnh An. Sau khi lập gia đình anh được cha mẹ cho ra riêng với tài sản là mảnh vườn tạp diện tích 4.000 mét vuông. Thời gian đầu, vợ chồng anh cứ cần mẫn với mãnh vườn tạp nhưng cuộc sống vẫn không thoát khỏi khó khăn.

 

Năm 2006, anh Lê Kiến Trúc được Phòng Kinh tế thành phố Bến Tre vận động chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ các tài liệu kỹ thuật về trồng cây bưởi da xanh, được ngân hàng cho vay vốn để mua cây giống. Đặc biệt là anh được Hội Nông dân xã cử đi tập huấn trong thời gian 2 tháng về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh. Tháng 4/2006 anh đã mạnh dạn phá bỏ mảnh vườn tạp và chuyển đổi trồng toàn bộ cây bưởi da xanh. Cây giống anh mua tại Hợp tác xã bưởi da xanh Mỹ Thạnh An.

 

Hỏi về kỹ thuật trồng cây bưởi anh cho biết: “Tôi lên mô cao khoảng 30 cm, rộng khoảng 60cm, giữa mô rải ít vôi, mụn dừa, phân chuồng đã oai, 0,5 kg phân lân. Cứ thế tôi lên tổng cộng 80 mô trồng bưởi da xanh”.

 

Về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi anh chân thành chia sẻ: Năm thứ nhất sau 2 tháng trồng anh pha một muỗng canh phân Urê/10 lít nước cứ 2 tháng tưới cho cây một lần. Năm thứ 2 khi bưởi phát triển tốt, đầu mùa mưa anh tiến hành xới gốc, trộn phân chuồng từ 8-10 kg cộng thêm khoảng 1 kg phân lân và NPK 16 -16-8. Cứ ba tháng anh bón 1 lần mỗi gốc bưởi khoảng hơn 200g phân hỗn hợp trên. Năm thứ 3 cũng vào đầu mùa mưa anh xới gốc và bón phân hỗn hợp theo tỷ lệ tăng nhiều trên 10 kg phân chuồng+2 kg phân lân và NPK 20-20-15. Cứ ba tháng anh bón phân hỗn hợp cho cây một lần và mỗi gốc khoảng 300g phân hỗn hợp trên. Anh cho biết, ở năm này bưởi đã bắt đầu cho trái, tuy vậy mỗi cây anh chỉ để lại từ 3-4 trái để cây không bị mất sức. Năm thứ 4 anh cũng tiến hành xới gốc và bón phân với liều lượng cao hơn chủ yếu là lượng phân chuồng, cứ 3 tháng bón cho cây một lần. Ở giai đoạn này vườn bưởi đã cho trái đều, mỗi cây trung bình từ 10-15  trái.

 

Bất cứ ai có dịp tham quan vườn bưởi của anh đều trầm trồ bởi nhìn thấy những hàng bưởi xanh thẫm, trái to, cách hàng đều đặn. Đặc biệt do được chăm sóc tốt nên trái bưởi nhìn rất bắt mắt, chất lượng bưởi ngon, ruột đỏ, không hạt, trái tròn và nặng.

 

Nhiều năm gắn bó với cây bưởi da xanh anh Lê Kiến Trúc cho biết: Cây bưởi da xanh không phải khó trồng, quan trọng là thổ nhưỡng, cách làm mô, chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật và đúng thời điểm. Hiện nay, vườn bưởi của anh trên 4 năm tuổi nhưng anh hoàn toàn không sử dụng thuốc mà chỉ nuôi kiến vàng trừ thiên địch, còn phân bón cho cây anh chỉ dùng ít phân hóa học, hơn 80% anh dùng chủ yếu là phân chuồng ủ oai.

 

Với 4.000 mét vuông trồng bưởi da xanh bình quân hàng năm trừ các khoản chi phí gia đình anh còn lãi trên 50 triệu đồng. Từ nông dân nghèo khó hiện nay cuộc sống gia đình anh đã khá giả, nhà cửa khang trang và con cái được học hành đầy đủ. Hiện nay anh đang tích cực phát triển vườn bưởi của mình theo hướng GAP. 3 năm liền anh Lê Kiến Trúc đều được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố.

                                                                                                 Diễm Phúc

 
In bài viết