Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh
Cách xử lý để bưởi da xanh cho trái quanh năm 
Thứ ba, 31/8/2010 08:39

Đến ấp Bình An B, thị trấn Chợ Lách hỏi đến ông Nguyễn Hữu Đức có lẽ người dân nào ở đây cũng biết đến. Bởi ông có nhiều thành tích trong nông nghiệp được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân sáng tạo… và điều làm mọi người biết đến là bản chất hiền lành chất phát, cần cù, dù tuổi đời trên 70 nhưng ông vẫn còn say mê lao động và có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc bưởi da xanh cho trái quanh năm. 

 

Ông Nguyễn Hữu Đức cho biết, gia đình ông có 11.000 mét vuông đất vườn, trước đây trồng bưởi da xanh xen với cây chủ lực là nhãn. Qua nhiều năm chăm sóc nhận thấy hiệu quả từ nhãn không cao, mà đổi lại bưởi da xanh phát triển khá tốt, năng suất cao thế là ông chuyển sang trồng bưởi. Ông dùng 8.000 mét vuông để chuyên canh cây bưởi da xanh, vì theo ông so với những loại cây ăn trái khác bưởi da xanh dễ trồng, dễ chăm sóc hơn nữa hiệu quả kinh tế lại cao giúp cho gia đình có nguồn thu ổn định. 

Trên diện tích trồng bưởi da xanh chuyên canh, ông trồng khoảng 200 cây, với khoảng cách từ 6-8 mét/cây. Theo ông, trồng thưa để giúp cây phát triển tốt không bị chen lấn, cho năng suất cao, cây 6-7 năm tuổi cho khoảng 100 trái, năng suất khoảng 170 kg/cây. Năm 2009, bán khoảng 11,6 tấn với giá bình quân từ 14 ngàn đồng/kg mang lại cho gia đình trên 120 triệu đồng sau khi trừ chi phí. 

Riêng năm 2010, cây bưởi da xanh phát triển khá tốt, thị trường tiêu thụ mạnh, ông tiếp tục xử lý cho cây ra trái quanh năm, bình quân từ 20 ngày đến 1 tháng thương lái đến cắt 1 lần bình quân khoảng 800 đến 1 tấn trái, giá bán năm nay khá cao, dao động từ 25-27 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 200 triệu đồng. 

Ông Đức cho biết, sở dĩ vườn bưởi nhà ông đạt hiệu quả, năng suất cao, được thị trường ưa chuộng mua với giá cao, không  bị ép giá là do trong quá trình chăm sóc loại phân dùng cho bưởi da xanh được ông sử dụng là phân hữu cơ đồng thời kết hợp phân vô cơ nên trái ngon, bóng và đẹp mắt. 

Với kinh nghiệm của mình, ông cho biết: “Một năm với 8.000 mét vuông trồng bưởi da xanh, sử dụng khoảng 500-600 bao phân chuồng (phân bò+phân dê), rãi cho khoảng 200 gốc bưởi. Một năm bón từ 2-3 lần vào đầu và cuối mùa mưa; mỗi lần khoảng 200 bao, 1 bao/cây. Khi rãi phân chuồng xong, qua ngày sau rãi phủ vôi bột nhằm mục đích diệt khuẩn phòng trừ nấm cho cây bưởi”. 

Ngoài sử dụng phân chuồng, ông Đức còn kết hợp dùng phân đầu trâu AT1, AT2, AT3, rãi mỗi năm 4 đợt cách 3 tháng lần, trọng lượng 1kg/cây. Theo ông Đức, AT1 dùng cho cây sau khi thu hoạch xong để dưỡng lá, AT2 dùng để kích thích ra hoa và AT3 sử dụng khi cây nuôi trái.    

Có được kết quả như hôm nay là nhờ vào tính cần cù chịu khó tìm tòi học hỏi, ngoài kinh nghiệm của bản thân ông còn tích cực tham dự các lớp hội thảo tập huấn và tham quan các mô hình trồng bưởi của bà con nông dân trong huyện. Ông Đức cho biết thêm, sau khi tham dự các lớp tập huấn đã giúp ông rất nhiều, đặc biệt là xử lý cho cây ra trái quanh năm và phòng trừ sâu bệnh, vì đối với phân hữu cơ nếu sử dụng đúng cây sẽ cho trái tốt, chất lượng an toàn nhưng không thể chống lại sâu bệnh. 

Qua thời gian chăm sóc, Ông Đức nhận ra rằng cây bưởi da xanh rất chịu nước và bản thân nó cũng sợ nước. Vì nếu tưới quá nhiều nước cây thích nghi không kịp dễ xảy ra chứng bệnh úng rễ. Để trừ bệnh úng rễ, ông sử dụng thuốc Ri-do-min, tưới dưới gốc cây 2 lần mỗi lần cách nhau khoảng nữa tháng. Đối với thân cây và đọt để cho tươi tốt vào mùa mưa ông thường sử dụng phân dưỡng lá Bi-ô-tit, HVP phun sương 1 ngày sau khi thu hoạch, kết hợp với thuốc trừ sâu bệnh. 

Vốn kinh nghiệm hiện có cùng kiến thức trao đổi, học hỏi đã giúp cho ông Nguyễn Hữu Đức ấp Bình An B, thị trấn Chợ Lách thành công trên vườn bưởi da xanh của mình và được nhiều nơi biết đến. Với những thành tựu đạt được, năm 2009 ông được UBND tỉnh tặng bằng khen với danh hiệu nông dân làm kinh tế giỏi cấp tỉnh và giấy chứng nhận của Hội Nông dân tỉnh với danh hiệu nông dân tiêu biểu sáng tạo.

Trúc Ly

 
In bài viết