Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh
Anh thương binh bám đất làm giàu
Thứ hai, 02/8/2010 10:10

Thăm vườn bưởi da xanh đang sai trái của anh Nguyễn Văn Xốt, tôi mới thấy những lời ca ngợi về anh là đúng. Những quả bưởi trong vườn đang căng da, đong đưa, hứa hẹn một mùa bội thu. Đối với nông dân bình thường, chăm sóc 5 công đất trồng bưởi da xanh là việc làm vừa tầm, nhưng với anh Xốt - thương binh 2/4, ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) quả thật là sự cố gắng rất lớn. Chính ý chí vươn lên thoát nghèo, bám vườn làm giàu đã giúp anh vượt qua nhiều thử thách.

 Anh Nguyễn Văn Xốt đang thu hoạch bưởi.

Bước thấp bước cao (hậu quả do chiến tranh để lại) nhưng ngày nào anh Xốt cũng ra vườn chăm sóc từng gốc bưởi, hết xới đất đến bón phân. Nhìn vườn bưởi đều cây, đều trái, anh an tâm phần nào. Lấy dao cắt đôi trái bưởi da xanh, ruột hồng, nếm vị ngọt thanh của từng múi bưởi, anh thở phào nhẹ nhỏm: vườn bưởi bắt đầu cho nguồn thu! Gần 30 năm làm nông, thành có, bại có, nếm nhiều đắng cay, song, không vì thế mà nản chí, anh tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn, nhẫn nại hơn. Dường như tinh thần của người lính Tiểu đoàn 516 ngày nào vẫn còn tiềm tàng trong anh. Thời chiến, anh chẳng sá gì hiểm nguy, gian khổ, chiến đấu với kẻ thù; bây giờ, anh chẳng nề khó khăn trước cuộc sống đời thường.


Không để đói nghèo đeo bám, anh Xốt cũng như nhiều thương binh khác sẵn sàng kéo tay áo, xắn ống quần làm kinh tế. Anh nói: “Cố gắng thoát nghèo để Đảng và Nhà nước bớt lo”. Thế là, anh bắt đầu vượt khó từ 3 triệu đồng vốn vay của Hội Nông dân huyện. Với số tiền ấy, anh mua 3.000 cây cam giống về trồng trên mảnh đất nhà mình. Nhờ cam lúc ấy có giá nên sau 7 năm, anh trả xong tiền vay và tích lũy được một số vốn. Khi cam già, giảm năng suất, anh chuyển sang trồng bưởi năm roi. Thu hoạch được một thời gian, bưởi năm roi rớt giá, anh lại chuyển sang trồng bưởi hương hồng. Lúc đầu, trúng mùa, anh thu lãi cả tỷ đồng/năm. Thị trường không còn chuộng bưởi hương hồng, anh chuyển sang trồng bưởi da xanh.


Nhờ anh chịu khó học hỏi kinh nghiệm và nghiên cứu tài liệu nên 5 công đất trồng bưởi da xanh (3 công đang cho trái) đạt hiệu quả cao, được huyện chọn làm điểm sản xuất theo hướng GAP. Nhắc đến anh, nhiều nông dân trong huyện thán phục với những sáng tạo anh áp dụng trong trồng bưởi. Anh là một trong những nông dân đầu tiên trồng bưởi da xanh với khoảng cách từ 1-2m một cây (theo hướng dẫn là 5m một cây). Anh chia sẻ: “Cây bưởi vốn ưa mát, nếu trồng thưa, trái dễ bị rám nắng. Bưởi mà bị nám thì sẽ rụng trước khi chín. Ngược lại, trồng dày, trái không bị nám mà còn cho năng suất cao”. Hiện nay, ước tính, cứ một lần thu hoạch, 1 công bưởi của anh thu lợi từ 30 triệu đồng trở lên (một năm thu hoạch nhiều lần). Trên thị trường, bưởi là trái cây đang có giá, trái trên 1,4kg có giá 35.000 đồng/kg; dưới 1,4kg có giá 25.000 đồng/kg.

Trồng bưởi không khó nhưng cần phải biết cách xử lý một số tình huống. Với bản tính thật thà, anh Xốt bật mí thêm: Mùa mưa ra vườn, nếu thấy nấm mọc thì chắc chắn đó là do rệp sáp xuất hiện. Rệp sáp là loại côn trùng nguy hại, có thể gián tiếp làm cây bưởi chết. Để tiêu diệt chúng, chúng ta cào đất rồi rải phân u-rê xuống với công thức: trộn 1kg phân urê vào 1kg phân lân. Nếu thấy thân cây bị đốm trắng, đó là do rệp sáp đã bám vào. Muốn cứu vãn, chúng ta lấy 3 đến 4 muỗng (muỗng canh) nước rửa chén pha với 2 đến 3 muỗng muối hột, khuấy đều, sau đó lấy vải nhúng vào hỗn hợp này vuốt nhẹ lên thân cây, thân cây sẽ  không bị nứt da và da sẽ láng trở lại.


Anh Nguyễn Vũ Phương, cán bộ Hội Nông dân huyện cho biết, sáng kiến, kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn Xốt rất hữu ích, đang được nhiều nông dân ứng dụng. Vừa qua, Anh Xốt được tuyên dương nông dân sáng tạo lần thứ 10 năm 2010 và là nông dân tiêu biểu 5 năm  (2006-2010) cấp tỉnh.

Bài, ảnh: Huỳnh Thi

 
In bài viết