Tiềm năng mở rộng, phát triển trong tương lai
Nữ chủ trang trại bưởi da xanh
Thứ tư, 28/7/2010 16:29

Người phụ nữ đầu tiên mang giống bưởi da xanh ở Bến Tre về trồng ở vùng đất đỏ ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương là chị Nguyễn Thanh Thủy.

Nay chị là chủ trang trại trồng bưởi lớn nhất miền đông Nam bộ, chuyên cung cấp giống cho nông dân và bưởi thương phẩm cho hệ thống siêu thị Metro và Lottle, một ngày bán khoảng 10 tấn bưởi da xanh. 

 

 

Bỏ phố lên rừng

Chị Nguyễn Thanh Thủy (chủ trang trại) cho biết: Trước đây gia đình chị ở cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Cuộc sống phố thị ồn ào đã không níu giữ được chân chị. Năm 1997 chị tìm về nơi có những cánh rừng cao su xanh ngút ngàn với mong muốn phát triển kinh tế bằng chính sức lực của mình. Từ đó chị Thủy đã tìm được hướng đi đúng.

 

Chị Thủy kể: “Hồi đó nơi này còn hoang vu lắm, đất còn rẻ, hai vợ chồng nhặt nhạnh tiền nhà, thậm chí bán hết cả số nữ trang bố mẹ cho trong ngày cưới và mượn thêm bạn bè mua được 10 ha đất”. Chị lặn lội tìm kiếm thông tin, tài liệu, về Bến Tre tham quan những vườn bưởi lớn. Thấy bưởi ở đây rất to, đẹp mã, ăn rất ngon, vậy là chị đi sâu học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Hồi mới trồng ai nhìn thấy cũng phải lắc đầu, bởi vì từ trước tới giờ ở đây chỉ trồng cao su, có ai trồng được cây gì mà cho trái ăn đâu huống hồ trồng bưởi để kinh doanh. Ai nói ngược nói xuôi mặc ai, chị quyết theo tới cùng. Sự cần mẫn được bù đắp, trang trại bưởi của chị phát triển tốt, bưởi bán được với giá rất cao 16.000 đ/kg, thu hoạch không đủ cung cấp cho các siêu thị.

 

Có chí thì nên

Ngồi kể về kỷ niệm những ngày đầu khó khăn, chị Thủy tâm sự: Sau khi hạ cây giống xong, vốn liếng không còn đồng nào, không biết vay mượn ở đâu. Để lấy ngắn nuôi dài, chị đã mạnh dạn đi liên hệ nuôi gà gia công cho một Công ty. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật gà cũng bị chết hoài, thế là một lần nữa phải đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Chị Thủy cười hóm hỉnh nói: Cũng nhờ hốt phân gà nhiều, tới bây giờ kinh nghiệm cũng đầy mình, không những nuôi tốt mà còn nuôi nhiều, mỗi lứa nuôi gà từ 50.000-60.000 con gà công nghiệp”. Cũng nhờ vậy mấy năm đầu mới có tiền đầu tư phân bón, trả tiền lương cho công nhân. Một năm chỉ tính riêng tiền lời (tiền công nuôi gà) khoảng 400-500 triệu đồng, chưa kể nguồn phân hữu cơ khổng lồ thu từ trại gà. Một thắng lợi lớn nhất trong thời gian nuôi gà: chị đã nghiên cứu tìm ra được cách làm phân vi sinh bón cho bưởi rất hiệu quả.

 

Chị Thủy cho hay: “Cây bưởi da xanh rất dễ trồng, trồng trên nhiều loại đất, nếu so với miền Tây thì trồng bưởi ở Đông Nam bộ thuận lợi hơn nhiều, không bị nước triều cường, chi phí công tưới thấp hơn, năng suất cao hơn, màu sắc cũng đẹp hơn, đặc biệt là có thị trường tiêu thụ lớn”.

 

Qua nhiều năm lăn lộn với nghề trồng bưởi, chị đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và muốn chia sẻ với mọi người.

 

Chọn giống: chọn mua giống bưởi da xanh ở những cơ sở có uy tín, cây khỏe mạnh, không bị bệnh.

 

Cách trồng: đào hố rộng 1 m, sâu 40 cm; hàng cách hàng 4 m, cây cách cây 6 m. Bỏ khoảng 1 kg vôi bột xuống hố để khử chua và sát trùng hố, 20 ngày sau trộn 10-15 kg phân chuồng hoai mục với đất cho xuống hố (san bằng mặt đất). Moi một lỗ nhỏ ở giữa trộn 1/2 kg lân và 100 g thuốc sát trùng cho xuống rồi hạ cây giống, lấp đất ngang mặt bầu, lèn chặt, xung quanh cắm que tre, dùng dây nylon cột lại để định vị, phủ cỏ vào gốc để che nắng và giữ ẩm.

 

Chăm sóc: cây bưởi mới trồng ngày tưới 2 lần, 1 tháng sau bón mỗi gốc một nắm phân urê để nhử, một năm bón 4 lần. Từ khi trồng tới năm thứ hai cây bắt đầu ra trái, vặt bỏ trái non không cho phát triển. Năm thứ ba bắt đầu thu hoạch (lưu ý từ năm thứ ba không nên bón phân hóa học) nên sử dụng phân chuồng và phân vi sinh bón lá để bổ sung đầy đủ chất vi lượng cho cây.

 

Phòng trừ sâu bệnh: thông thường cây bưởi hay gặp sâu vẽ bùa và sâu ăn lá, có thể dùng thuốc đặc trị để xịt.

 

Cây ra đọt 1 cm xịt dầu khoáng 0,5% (DC Tropius) trong 1 lít nước xịt chữa nhện hoặc dùng Trichoderma trộn phân chuồng bón dưới đất hoặc tưới trên lá.

 

Sau khi thu hoạch nên cắt bỏ cành sâu, tược non, quét vôi bột xung quanh gốc một năm 2 lần.

 

Thu hoạch: trước đây người dân thường hái bằng bao rồi đổ đống, trái bưởi dễ bị giập nát. Qua nghiên cứu, chị đã chọn cách dùng kéo sắc cắt cuống, xếp vào thùng nhựa mang vào để chỗ mát cho vào túi lưới, mỗi túi 1 trái, cung cấp cho siêu thị.

 

 

Qua việc mở trang trại trồng bưởi thương phẩm và nhân giống, hàng năm chị Nguyễn Thanh Thủy đã cung cấp cho thị trường gần 200 tấn bưởi thương phẩm và hàng vạn cây giống bán với giá 15.000-20.000 đ/cây. Ngoài ra chị còn nuôi hàng trăm ngàn con gà công nghiệp để lấy phân bón cho bưởi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức lương từ 1.000.000-1.700.000 đồng/tháng và bao ăn ở. Tới đây chị sẽ xây dựng nhà kho để bảo quản sản phẩm sau thu hái nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ điều kiện để xuất khẩu. 

 

Theo khoahocphothong.com.vn

 
In bài viết