Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh
Xử lý ra hoa
Thứ năm, 22/10/2009 09:53

1. Tạo sự khô hạn:

Cây bưởi ra hoa cần thời gian khô hạn để phân hoá mầm hoa, vì vậy ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để cây ra hoa đồng loạt. Việc tạo khô hạn vào tháng 12 và tháng 01 dương lịch sẽ thu hoạch quả vào Tết Trung thu (khoảng tháng 7-8 dương lịch); hoặc tạo khô hạn ở tháng 3-4 dương lịch thu hoạch quả vào tết Nguyên đán (khoảng tháng 12 dương lịch). Gặp lúc mưa thì có thể dùng tấm nylon đen che phủ chung quanh gốc cũng có thể tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa, tuy nhiên phải tốn chi phí để mua nylon và tỷ lệ ra hoa không cao.

Sau khi thu hoạch xong tiến hành vệ sinh vườn như cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc, kế đến bón phân với liều lượng tuỳ thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây. 

Cây được bón phân lần 2 trước khi tiến hành ngưng xử lý ra hoa. Mực nước trong mương được khống chế ở mức thấp nhất nhưng phải trên tầng phèn tiềm tàng. Thời gian tạo khô hạn từ 7-20 ngày  tuỳ thuộc vào độ ẩm của đất và tình trạng thiếu nước của bộ lá cây bưởi mà quyết định tưới trở lại. Có thể kết hợp vét sình lên liếp, khi sình khô, nứt nẻ thì tiến hành tưới trở lại. Thông thường khi thấy triệu chứng lá xào thì bắt đầu tưới nước trở lại, mỗi ngày 2-3 lần và tưới liên tục 3 ngày.
Đến ngày thứ 4, tưới nước mỗi ngày/lần, 7-15 ngày sau khi tưới đợt đầu tiên cây sẽ ra hoa, thời gian này ngày tưới ngày nghỉ, 10-15 ngày sau khi trổ hoa sẽ rụng cánh hoa (đậu quả).

2. Lải bỏ lá trên cành mang trái:

Sau khi thu hoạch xong cũng tiến hành vệ sinh vườn như cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc... kế đến bón phân lần 2 (đạm thấp, lân và kali cao) với liều lượng tuỳ thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây.

Khi toàn bộ lá trên cây già và không có tượt non xuất hiện thì tiến hành lặt bỏ lá trên cành mang quả (thường rất ngắn khoảng 10 - 20 cm). Cành này thường mọc ở chảng 2 hoặc chảng 3 của cây. Nếu chúng ta không lải lá thì cành này cũng sẽ mang trái sau đó nhưng muộn hơn so với phương pháp lải bỏ lá trước. Chú ý bắt đầu lải lá từ cành mang trái ở vị trí gần mặt đất trước sau đó tiến dần đến vị trí cao, nên chọn những cành già, thân và lá có màu xanh đậm. Tuỳ tình trạng sinh trưởng và tuổi cây mà cành này sẽ cho hoa nhanh hay chậm.

3. Sử dụng hoá chất:

Có thể dùng Paclobutrazol ở liều lượng 2,5g-5g/cây (tuỳ theo tuổi cây và đường kính của cây mà tăng giảm liều lượng) tưới xung quanh gốc hoặc phun lên cây ở nồng độ 1000-2000ppm cũng có khả năng giúp cây bưởi ra hoa. Trên cây bưởi năm roi phun Paclobutrazol nồng độ 1.000ppm, sau đó 30 ngày phun tiếp Thiourea nồng độ 0,3% sẽ giúp bưởi năm roi ra hoa đạt tỷ lệ cao. Quét Paclobutrazol liều lượng 1 gram/gốc cũng đạt hiệu quả ra hoa.

Việc sử dụng hóa chất để xử lý ra hoa cho cây bưởi cần phải thận trọng vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây bưởi, nên làm thử nghiệm một vài cây ở các nồng độ từ thấp đến cao từ đó rút ra kinh nghiệm trước khi quyết định sử dụng đại trà trên vườn.

4. Các yếu tố liên quan để việc xử lý ra hoa bưởi được thành công:

  • Cây phải được trồng trên mô đất cao và vườn phải có hệ thống tưới tiêu chủ động được nguồn nước trong mương khi tạo khô hạn để đất nhanh khô ráo, giúp việc cây phân hóa mầm hoa tốt hơn.
  • Khoảng cách trồng không được quá dày sẽ gây khó khăn trong việc tạo khô hạn.
  • Thời gian tạo khô hạn phải tương đối đủ để cây phân hóa mầm hoa.
  • Trước giai đoạn xử lý ra hoa, cây không được bón quá nhiều phân bón có hàm lượng N cao.
  • Trong thời gian xử lý ra hoa trên cây bưởi không được mang quá nhiều trái hoặc trái đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
  • Cành vượt phải được tỉa bỏ thường xuyên và trên cây bưởi không có nhiều tượt non.

Tóm lại, việc xử lý ra hoa trên cây bưởi không khó nếu chúng ta áp dụng đúng kỹ thuật. Tuỳ từng điều kiện cụ thể mà chúng ta chọn biện pháp xử lý bưởi ra hoa thích hợp để bán trái được giá nhất, thu lợi nhuận cao đồng thời kéo dài tuổi thọ của cây.

5. Tỉa trái:

Bưởi thường ra nhiều hoa đơn mọc liên tiếp nhau thành một chùm, vì vậy nếu không tỉa bỏ bớt trái sẽ làm trái bưởi nhỏ, dạng trái không đẹp, giảm giá trị thương phẩm và sâu bệnh dễ tấn công. Trên mỗi chùm trái chỉ nên giữ lại tối đa là 2 trái, tốt nhất là một trái. Chú ý, những trái đậu trên cao (>3m) sẽ có kích thước nhỏ và khó phòng ngừa sâu bệnh, cần loại bỏ; những trái đậu quá gần mặt đất dễ bị bệnh tấn công nên cũng cần loại bỏ nếu biện pháp chống đỡ trái không hiệu quả.

Các trái bưởi đậu trong thời gian cây còn nhỏ cũng cần được tỉa bỏ. Nên để trái thu hoạch khi tuổi cây tính từ lúc trồng phải được ít nhất là  36 tháng. Nếu để trái quá sớm, cây dễ mất sức và giảm tuổi thọ rất nhanh, rất khó phục hồi sau đó.
6. Neo trái
Đến thời điểm thu hoạch mà giá bưởi hạ thì có thể neo trái trên cây từ 15 – 30 ngày để chờ xuất bán. Có thể neo trái bằng cách phun lên cây các loại phân bón lá (như: Retain, ProGibble), hoặc bón nhiều phân dạng đạm và tưới nước thường xuyên. Tuy nhiên, không nên neo trái quá lâu trên cây sẽ ảnh hưởng khả năng ra hoa và năng suất ở vụ sau và tuổi thọ của cây bưởi bị giảm.

 
In bài viết